Kinh nghiệm chuẩn bị cho học bổng Master tại Anh qua chị Giang

Giang _ Apply Master

Kinh nghiệm chuẩn bị cho học bổng Master tại Anh

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của mình với chị Giang, cũng là một thần tượng của mình, chị là một người đã dạy mình rất nhiều điều bổ ích và giúp đỡ mình trên chặng đường học sinh. Cũng cảm ơn chị đã dành thời gian để chia sẻ nó lại với cộng động SVVN mình ở APU.

enter image description here
enter image description here

1. “Theo em được biết, sau khi tốt nghiệp tại Tsukuba, chị Giang đã tiếp tục dành được học bổng Master tại đại học Bristol - một trong những trường đại học vô cùng danh giá tại Anh Quốc. Chị có thể chia sẻ cho chúng em quá trình apply của chị không ạ?”

“Khi chị apply thì hơi vội, có rất nhiều việc phải làm nhưng chị còn phải thi lại IELTS. Các trường ở Anh không yêu cầu GMAT, nhưng chị khuyên các em nên có ít nhất một năm, chị thì dùng năm thứ 3 để chuẩn bị hồ sơ .

Nói qua về hồ sơ thì chị có điểm GPA cũng gọi là cao và đa dạng các hoạt động ngoại khóa trong trường. Chị học đại học Ngoại thương ở Việt Nam 1 năm và tiếp tục học ở APU 3 năm, khá là gấp. Nhưng cũng đủ để chị có một số lời khuyên từ kinh nghiệm bản thân như sau:

Các em nên xác định mình muốn tìm học bổng ở những nước nào. Hồi đó, chị có chia bảng Excel theo các nước như Anh, Úc, và Mỹ, rồi theo hạn nộp hồ sơ, và cuối cùng là yêu cầu hồ sơ. Chị có hai nguồn thu thập thông tin chính, mà cái này bật mí cho các em là chị từng gọi ra các trung tâm tư vấn du học để hỏi về các chương trình học bổng sẵn có. Họ thường nắm bắt các thông tin học bổng nhanh và toàn diện hơn mình nên mình có thể hỏi để tiết kiệm thời gian của bản thân. Sau đó, chị cũng lên các trang và hội nhóm như Scholarship for Vietnamese Students hay Scholarship Planet để lưu lại thông tin học bổng tiềm năng.

Khi bắt tay vào làm hồ sơ, chị khuyên các em làm thật chỉn chu một bản CV, rồi sau đó có thể áp dụng chỉnh sửa cho những lần apply tiếp theo. Chị cũng khuyên là điểm IELTS không phải là tất cả, các em cố gắng đáp ứng yêu cầu của trường, càng cao càng tốt nhưng nếu không được cao nhất thì cũng nên tự tin nộp, không cần đặt áp lực quá mà cần thi lại nhiều lần như chị.”

2. “Em được biết chị là một gương mặt nổi bật khi theo học tại đại học APU. Chị có thể chia sẻ cho chúng em kinh nghiệm học của chị được không ạ? Chị đã giữ vững động lực học qua nhiều năm như thế nào ạ?”

“Chị bắt đầu từ năm hai ở APU nên không có thời gian năm đầu bắt nhịp, là một thử thách khá lớn đối với chị hồi đó. Tuy nhiên, chị dành thời gian học tiếng Nhật khá nhiều. Trong quá trình học, chị tích cực đọc sách. Chị cũng chăm chỉ học trên lớp thật tập trung, ghi chép đầy đủ và quan trọng là dành thời gian đọc lại kiến thức thường xuyên. Chị thấy việc mua sách học và bám theo sách là rất hiệu quả, vì dù sách chỉ mang kiến thức lý thuyết, nhưng lại giúp các em có cái nhìn logic và lấp đầy lỗ hổng tư duy của sinh viên. Việc học đối với chị là tích lũy dần dần, chứ không phải ngày một ngày hai là có kết quả ngay.

Cũng chia sẻ là khi chị bắt đầu học lớp Seminar, chị theo học lớp của thầy […] . Các bạn học sinh ở lớp này đều rất giỏi và nổi bật ở APU nên chị cảm thấy chị là học sinh kém nhất. Tuy nhiên thầy đã giúp chị rất nhiều trong việc định hướng, thầy không dạy nhiều nhưng lại luôn đứng đằng sau hỗ trợ và tạo cơ hội cho chị. Chị thực sự biết ơn vì đã chọn học một lớp seminar như vậy. Có thể khi đó là quá sức với mình, nhưng lại khiến mình phải nỗ lực gấp nhiều lần sức của mình và đạt được những thành quả nhất định. Chị tin là mạng lưới những người xung quanh mình có ảnh hưởng cực kì lớn đến bản thân, nên các em hãy cố tìm những người giỏi hơn và liên tục học hỏi từ họ. ”

3. “Em cũng được biết chị có tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, vậy chị có thể chia sẻ cho bọn em những cách nắm bắt cơ hội được không ạ?”

“Thực ra chị chưa bao giờ là một người dạn dĩ, nhưng chính việc tham gia các cuộc thi đã khiến chị bước ra khỏi vùng an toàn và liên tục cải thiện bản thân. Chị vẫn run khi đi thuyết trình, nhưng càng thi càng cảm thấy bản thân có giá trị hơn, học được nhiều, quen được nhiều người giỏi và từ đó cải thiện bản thân.”

4. “Trong quá trình học tập, em biết là chị cũng được những học bổng giá trị ở APU. Chị có một số lời khuyên nào cho chúng em không ạ?”

“Chị cũng từng thất bại trong việc apply học bổng, nhưng chị vẫn tự nhắc lại mình bằng câu nói “what doesn’t kill you make you stronger.” Chị thấy quá trình apply học bổng trong trường nên được trau dồi từ năm đầu, đến năm 2 chuẩn bị và năm 3 là nơi hội tụ của những học bổng lớn, các em sẽ nhận thấy thành quả thực sự xứng đáng với công sức bỏ ra. Mặc dù chị có thời gian xao nhãng tiếng Nhật, tuy nhiên chị vẫn khuyên các em nên đầu tư cho tiếng Nhật nhiều hơn. Một số học bổng yêu cầu GPA thế nào thì em cứ apply như thế, không phải tự ti nếu điểm của mình có thấp hơn các bạn. Nếu tiếng Nhật chưa giỏi lắm thì cứ căn theo các mô típ câu hỏi từ năm trước, chuẩn bị sẵn và tự tin vào phỏng vấn. Chị cảm thấy người Nhật rất thích những người thành thật, mục tiêu không cần lớn nhưng phải rõ ràng, thể hiện niềm tin cống hiến mãnh liệt của học sinh. Em hãy mang vào vòng phỏng vấn năng lượng tích cực và sự chân thành, chị tin là các em sẽ làm được.”

5. “Em biết là các bạn học sinh cũng rất quan tâm đến môi trường học tập Master của chị hiện tại, chị có thể chia sẻ một chút về nền giáo dục Anh Quốc và những lý do đằng sau việc chọn học ở đây được không ạ?”

“Đối với chị, việc tốt nghiệp đại học ở Châu Á và tiếp tục sang Châu Âu thực sự là một giấc mơ, một bước nhảy vọt, khiến chị trưởng thành hơn nhiều về mặt nhận thức. Có lẽ sự lựa chọn này bắt nguồn từ chính tính cách con người chị, là một người khá thẳng thắn và luôn mong được đóng góp ý kiến mới. Thực ra các trường ở Anh cho học bổng không rộng rãi lắm, như trường chị là một trong những trường rất hiếm cho học bổng 100% học phí. Tuy nhiên, nền giáo dục của Anh theo chị thấy bây giờ thì hơi lạc hậu một chút, mức độ quan tâm học sinh không được như ở Nhật. Chính vì có nhiều học sinh nên việc học của ai thì người đó tự đảm bảo. Các bạn học sinh ở Anh không coi trọng bảng điểm đại học quá, vì vốn họ cũng không có học bổng trong quá trình học. Ở đây họ cũng không có nhiều động lực tham gia các cuộc thi. Như ở APU, chúng mình đóng tiền để thi Business Case Competition thì ở đây các bạn ấy muốn tất cả phải miễn phí, phải có ích lợi gì to lớn mới quyết định tham gia. Chị sẽ dành thời gian chia sẻ kỹ hơn về trải nghiệm ở Anh ở bài lần sau nhé.”

6. “Em cũng muốn xin ý kiến của chị về vấn đề làm thêm ở APU. Em không biết là chị có dành thời gian làm thêm nhiều hay không ạ?”

“Thực ra quan điểm của chị là thời gian học đại học rất ngắn, phải tận dụng tối ưu nhất để học. Chị chú trọng điểm GPA nên chỉ làm một công việc trong căng tin và cố gắng lấy học bổng. Chị cũng nghĩ khi đi làm thêm, chị sẽ tích cực tìm hiểu nhiều nguồn và làm thử đa dạng các việc, từ ngành thức ăn nhanh đến phiên dịch để có cơ hội quan sát, nắm cách vận hành cũng như học về cách đối nhân xử thế. Tóm lại, chị sẽ không làm thêm trong khi học mà dành thời gian nghỉ để đi làm.”

7. “Em thấy việc làm thêm giúp các bạn học sinh tiết kiệm tiền đi du lịch, chị có thấy đây thực sự là một ý kiến hay không ạ?”

“Chị hay apply các cuộc thi và kết hợp cả việc đi du lịch vào việc đi thi luôn. Đây có lẽ là quan điểm của cá nhân chị thôi, nhưng chị thấy cách này cũng rất hay.”

              `Kí tên: Klaire Hoàng`

Comments